Nếu theo dõi báo chí thường xuyên, hẳn suốt những năm qua bạn đã biết kha khá về những phương thức tuyệt vời mà các doanh nghiệp dùng để “xào nấu” sổ sách kế toán. Họ ghi nhận doanh thu ảo. Họ ẩn đi chi phí. Vài thủ thuật trong số đó đơn giản đến khôi hài như cách đây vài năm, có công ty phần mềm nọ đã đẩy doanh thu lên bằng cách chuyển cho khách hàng những thùng các-tông rỗng ngay trước khi kết quý. (Khách hàng đã gửi trả lại những thùng rỗng đó, nhưng tất nhiên lúc đó đã sang quý khác). Những thủ thuật khác thì lại phức tạp đến độ gần như không thể hiểu nổi. (Phải mất hàng năm trời, các kế toán và công tố viên mới có thể lần ra hết toàn bộ các giao dịch giả mạo của Enron). Chừng nào những kẻ dối trá và hàng trộm cướp vẫn còn tồn tại, thì chắc chắn vẫn còn những kẻ tìm cách tham ô, lừa lọc. Nhưng có thể bạn cũng nhận ra một điều khác về thế giới tài chính bí ẩn, chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp có những cách đánh bóng sổ sách hoàn toàn hợp pháp. Tuy vậy, những công cụ hợp pháp này không mạnh bằng những mánh khóe gian lận thẳng tay: chúng không thể làm cho một công ty phá sản trông như một công ty ăn nên làm ra, chí ít là không thể làm được điều đó trong một thời gian dài. Nhưng những gì chúng có thể làm được thật đáng kinh ngạc. Ví dụ, một thủ thuật nhỏ có tên gọi phí tính một lần (one-time charge) cho phép công ty gom toàn bộ tin xấu và nhét tất cả vào kết quả tài chính của một quý, nhờ thế các quý tiếp theo trông khả quan hơn. Cách khác là xếp các khoản mục chi tiêu từ hạng mục này sang hạng mục khác, cách này có thể tô điểm cho bức tranh lợi nhuận hàng quý của doanh nghiệp và đẩy giá cổ phiếu lên cao. Trong khi chúng tôi đang thực hiện cuốn sách này, tờ Wall Street Journal đã cho đăng một bài trên trang nhất, nói về việc các doanh nghiệp đã vỗ béo kết quả kinh doanh sau thuế ra sao qua biện pháp cắt giảm trợ cấp hưu trí – dù có thể họ không hề giảm một xu nào trong các khoản trợ cấp đó. Tất cả những ai không phải là chuyên gia tài chính rất có thể sẽ đón nhận những thủ đoạn này với sự hoang mang nhất định. Mọi hoạt động khác trong công việc kinh doanh – như marketing, nghiên cứu và phát triển, quản lý nhân sự, xây dựng chiến lược, v.v… – đều mang tính chủ quan thấy rõ, chúng là những vấn đề phụ thuộc vào kinh nghiệm, các phán đoán và dữ liệu. Vậy còn tài chính? Và cả kế toán nữa? Chắc chắn các con số mà những bộ phận này tạo ra đều khách quan, trắng đen rõ ràng, miễn bàn cãi. Chắc chắn, doanh nghiệp đã bán những gì đã bán, đã tiêu những gì đã tiêu, đã thu những gì đã thu. Ngay cả khi gian lận diễn ra, trừ phi doanh nghiệp thực sự gửi đi những thùng các-tông rỗng, còn không làm sao các nhà điều hành có thể dễ dàng biến hóa cho mọi thứ trông quá khác với thực tế được? Và nếu không gian lận, làm thế nào họ có thể ngụy tạo kết quả kinh doanh dễ dàng đến vậy?
NGHỆ THUẬT TÀI CHÍNH
Thực tế là, kế toán và tài chính, cũng như mọi kiến thức kinh doanh kia cũng mang tính nghệ thuật không kém gì tính khoa học. Bạn có thể gọi đó là bí quyết tuyệt mật của giám đốc tài chính hoặc kế toán trưởng, ngoại trừ việc nó chẳng phải là bí quyết, mà là một chân lý được thừa nhận rộng rãi, ai làm trong ngành tài chính cũng đều biết. Vấn đề là những kẻ còn lại trong chúng ta lại thường quên mất điều đó. Chúng ta tưởng rằng, khi một con số xuất hiện trên báo cáo tài chính hoặc trong các báo cáo mà bộ phận tài chính gửi lên ban quản lý, con số đó chắc chắn phải phản ánh đúng thực tế. Hiển nhiên, thực tế là điều này không phải lúc nào cũng đúng, bởi ngay cả những người đang kiểm soát các con số cũng không thể biết hết mọi điều. Họ không thể biết chính xác mỗi ngày các thành viên trong doanh nghiệp làm gì, thế nên họ không biết chính xác phải phân bổ chi phí ra sao. Họ không thể biết chính xác một thiết bị sẽ hoạt động trong bao lâu, thế nên họ không biết phải ghi nhận mức khấu hao là bao nhiêu cho một năm cụ thể từ chi phí ban đầu đã bỏ ra để mua thiết bị đó. Nghệ thuật − tài chính kế toán là nghệ thuật sử dụng những dữ liệu hạn chế để đến gần nhất có thể với một mô tả chính xác về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp. Tài chính − kế toán không phải là thực tế, mà là phản ánh thực tế, và tính chính xác của sự phản ánh đó phụ thuộc vào năng lực của kế toán viên và chuyên gia tài chính trong việc đưa ra những giả định và ước tính hợp lý. Đây là một công việc đau đầu. Có lúc họ phải định lượng những thứ không dễ định lượng. Có lúc họ lại phải đưa ra những phán đoán khó phân định về cách phân loại một khoản mục nhất định. Những sự vụ phức tạp kể trên không phải là hệ quả tất yếu của việc họ “xào nấu” sổ sách, hay bởi họ thiếu khả năng. Phức tạp nảy sinh vì những người làm kế toán và tài chính phải đưa ra những phỏng đoán theo kinh nghiệm về các số liệu của hoạt động kinh doanh. Thông thường, kết quả của những giả định và ước tính này là một định kiến số liệu. Xin các bạn đừng hiểu lầm rằng chúng tôi sử dụng từ “định kiến [bias – thiên vị]” để công kích sự liêm chính của bất kỳ ai. (Trong số những người bạn thân thiết của chúng tôi, có nhiều người cũng là kế toán và một trong hai chúng tôi, Joe, thực chất còn có chức danh CFO trên danh thiếp). Ở giác độ liên quan đến kết quả tài chính, “định kiến” chỉ có nghĩa là các con số có thể nghiêng theo hướng này hoặc hướng kia. Nó chỉ có nghĩa là các chuyên gia kế toán và tài chính đã sử dụng những tập giả định và ước tính nhất định, thay vì những tập giả định và ước tính khác, khi tổng hợp báo cáo. Giúp các bạn hiểu rõ “định kiến” này, hiệu chỉnh lại nó khi cần thiết, và thậm chí là sử dụng nó phục vụ cho lợi ích của bạn (và doanh nghiệp) là mục tiêu của cuốn sách này. Để hiểu được nó, bạn phải biết nên đặt câu hỏi gì về các giả định và ước tính. Khi trang bị cho bản thân những thông tin như vậy, bạn có thể đưa ra những quyết định cẩn trọng và phù hợp. Khung định nghĩa Chúng tôi muốn kiến thức tài chính trở nên dễ dàng hết sức có thể. Hầu hết các cuốn sách về tài chính thường buộc chúng ta phải trở đi trở lại giữa trang đang đọc và phần thuật ngữ để tìm hiểu định nghĩa của từ mà chúng ta chưa biết. Nhưng đến khi chúng ta tìm ra định nghĩa và trở lại với trang đang đọc, chúng ta cũng đứt luôn mạch tư duy. Vì thế, ở đây chúng tôi sẽ cung cấp cho bạn định nghĩa ngay khi bạn cần, ngay khi chúng xuất hiện lần đầu.